Đào tạo cử nhân dinh dưỡng với nhu cầu xã hội trong thời gian tới

Thứ hai, 25/02/2019, 10:11 (GMT+7)

        Ở nước ta những năm gần đây tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em đã được cải thiện. Nhưng đồng hành với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp… có xu hướng gia tăng. Đây là những bệnh mà vai trò của chế độ ăn đã được chứng minh là có đóng góp quan trọng.

        An toàn vệ sinh thực phẩm đang là một vấn đề bức xúc hiện nay. Các sản phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến có thể là nguồn gây bệnh và thói quen vệ sinh tốt chưa trở thành thực hành có lợi cho sức khoẻ. Các vụ ngộ độc thức ăn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác giám sát, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) còn rất yếu. Tình hình đó cũng có một nguyên nhân là mạng lưới cán bộ dinh dưỡng và VSATTP rất mỏng và chưa đáp ứng được yêu cầu.

        Suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến của bệnh nhân trong các bệnh viện. Trong những năm 90, do chuyển sang nền kinh tế thị trường, các khoa dinh dưỡng trong bệnh viện hầu hết bị giải thể, thay thế vào đó là các dịch vụ ăn uống thông thường. Hậu quả là bữa ăn của người bệnh không những không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm mà còn không đảm bảo chế độ ăn theo bệnh lý, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả điều trị. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 50% bệnh nhân đã có biểu hiện suy dinh dưỡng ngay khi nhập viện nhưng chỉ 12,5% bệnh nhân được phát hiện có suy dinh dưỡng (Hội thảo “Dinh dưỡng đặc biệt hỗ trợ điều trị” tháng 10/2011).

        Thiếu nguồn nhân lực được đào tạo ở trình độ đại học về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trung tâm y tế dự phòng, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm và các bệnh viện. Những năm qua, Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo cán bộ dinh dưỡng. Tuy nhiên, số cán bộ dinh dưỡng hiện nay chủ yếu được đào tạo thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn hoặc được đào tạo ở trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ về dinh dưỡng cộng đồng. Hầu hết các bác sĩ dinh dưỡng đào tạo từ hơn 30 năm trước hiện còn rất ít công tác tại các Khoa Dinh dưỡng các bệnh viện. Trong khi đó, do yêu cầu phát triển và nhiệm vụ công tác dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng tại các cơ sở y tế và bệnh viện đang đặt ra cấp thiết, cần có cán bộ chuyên môn dinh dưỡng tiết chế trình độ đại học để làm công việc này. Theo kết quả điều tra xác định nhu cầu đào tạo kỹ thuật viên dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2005 của Bộ Y tế cho thấy: nhân lực của trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và huyện chưa đáp ứng được yêu cầu công tác dinh dưỡng và VSATTP tại cộng đồng. Chỉ có 1/3 số trung tâm y tế dự phòng tỉnh có khoa dinh dưỡng và hầu như không có khoa dinh dưỡng ở trung tâm y tế huyện. Gần 1/3 số trung tâm y tế dự phòng tỉnh không có khoa VSATTP. Gần 3/5 số khoa dinh dưỡng và gần 1/4 số khoa VSATTP tại các trung tâm y tế tỉnh thiếu cán bộ có trình độ trung cấp trở lên. Có rất ít cán bộ được đào tạo dinh dưỡng làm việc đúng chuyên ngành và không có cán bộ có trình độ đại học. Tỷ lệ cán bộ được đào tạo về dinh dưỡng và VSATTP tương đối cao nhưng chủ yếu đào tạo trong thời gian ngắn và không chính quy. Khoa dinh dưỡng tại bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu công tác dinh dưỡng tiết chế cho người bệnh. Gần 1/2 số bệnh viện tuyến tỉnh không có khoa dinh dưỡng. Hơn 3/5 khoa dinh dưỡng không có cán bộ trình độ đại học. Hơn 1/4 khoa dinh dưỡng không có cán bộ trung cấp. Số nhân lực của khoa dinh dưỡng là 6 đến 10 người nhưng số cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm dưới 48%. Tỷ lệ cán bộ không được đào tạo về chuyên ngành chiếm tới 74,5%, trong số 25,5% cán bộ được đào tạo thì 100% theo hình thức bổ túc ngắn hạn không chính quy. 

 

        Như vậy, nhu cầu đào tạo dinh dưỡng hệ đại học là rất cấp bách. Để đáp ứng được nhu cầu này của xã hội, với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nguồn nhân lực dinh dưỡng của Nhật Bản (Dự án VINEP), chương trình đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt và bắt đầu triển khai thí điểm tại trường Đại học Y Hà Nội năm 2013. Cho tới nay, với sự hỗ trợ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mạng lưới đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng hệ đại học đã được thực hiện tại 07 trường đại học: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Đại học Đông Á Đà Nẵng, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, Đại học Thăng Long và Đại học Thành Đông.

       Đặc biệt với Đại học Thành Đông, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Dự án VINEP đã áp dụng mô hình của Nhật Bản để xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học dinh dưỡng tiên tiến đầu tiên tại Việt Nam. Những sinh viên của khóa học này được hưởng nhiều ưu đãi của Dự án VINEP như: học bổng “học giỏi vượt khó”, tài liệu giảng dạy hiện đại cập nhật, trang web tương tác thầy - trò hiệu quả, tiết kiệm thời gian, cơ sở thực hành hiện đại của Viện Dinh dưỡng, tham dự một số bài giảng của giáo sư Nhật Bản, cơ hội thực tập tại Nhật bản cho học viên xuất sắc… Với những nỗ lực của mình, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cùng với các trường đại học trong cả nước sẽ đào tạo được đội ngũ các cán bộ dinh dưỡng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội và góp phần duy trì và nâng cao sức khoẻ con người, phòng ngừa và ngăn ngừa mức độ nghiêm trọng của bệnh tật từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

PGS.TS. Nguyễn Đỗ Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Viện Dinh dưỡng;

 Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, đại học Thành Đông

Email: nguyendohuy@dinhduong.org

Điện thoại: 0983082475; 0988628783; 0913558179; 02439724031

Bài viết liên quan